17 lượt xem
Công ty Cổ phần đá thạch anh cao cấp VCS là một trong những công ty đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đá ốp lát nhân tạo tại khu vực châu Á, được thành lập tháng 12 năm 2002 tại khu công nghiệp Bắc Phú Cát, nay là khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, Việt Nam. Với hệ thống các đại lý phân phối trên toàn cầu, sản phẩm của Vicostone đã hiện diện tại khắp các châu lục. Với vẻ đẹp đặc biệt, sang trọng đá nhân tạo Vicostone được sử dụng rộng rãi trong những ứng dụng trang trí nội thất như mặt bàn bếp, bàn trang điểm, ốp tường, lát sàn v.v… Với ba dây chuyền sản xuất đá nhân tạo theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton (Ý) sử dụng kỹ thuật tiên tiến và công nghệ mới nhất hiện nay, Công ty Cổ phần đá thạch anh cao cấp VCS cung cấp ra thị trường hàng triệu m2/năm và là một trong những nhà sản xuất đá nhân tạo hàng đầu trên thế giới hiện nay.
VCS: Doanh thu tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế quý II – 2017 đạt 400 tỷ đồng
Nhờ đẩy mạnh công tác bán hàng ở thị trường xuất khẩu và nội địa, cộng với việc được điều chỉnh chi phí thuế thu nhập, doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Vicostone (mã VCS) tăng mạnh.
Theo báo cáo tài chính quý II/2017 mới công bố của Vicostone, tính riêng quý II năm nay, công ty đạt doanh thu thuần hơn 1.078,3 tỷ đồng, tăng gần 46% so với quý II/2016. Giá vốn hàng bán tăng gần 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, trong cơ cấu giá vốn, giá vốn nguyên vật liệu, phụ tùng gần 181 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; giá vốn thành phẩm hơn 580 tỷ đồng, tăng hơn 34,7% so với quý II/2016. Ngoài ra, quý này ghi nhận thêm giá vốn cung cấp và lắp đặt đá ốp lát nhân tạo.
Do vậy, biên lợi nhuận gộp của VCS quý này giảm nhẹ từ 30,31% ở quý II/2016 xuống 29,80%. Tuy nhiên, do doanh thu thuần tăng mạnh nên lợi nhuận gộp của công ty tăng gần 43,3% lên hơn 321,3 tỷ đồng.
Một điểm nhấn khác trên báo cáo tài chính là doanh thu hoạt động tài chính quý này đạt gần 27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt chưa đầy 1 tỷ đồng. Trong thuyết minh báo cáo tài chính, quý này ghi nhận thêm doanh thu từ bán các khoản đầu tư 20 tỷ đồng, trong khi quý II/2016 không ghi nhận doanh thu từ khoản này.
Được biết, vào ngày 18/5/2017, VCS đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu nắm giữ của Công ty CP Chế tác đá Việt Nam là hơn 2 triệu cổ phiếu.
Trong quý II/2017, chi phí hoạt động của Vicostone tăng gần 6 tỷ đồng lên hơn 48,3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bán hàng tăng mạnh nhất 49,50% lên gần 25 tỷ đồng – chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi phí hoạt động của công ty.
Tính ra, lợi nhuận sau thuế mà VCS đạt được là gần 399 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với quý II/2016. Biên lợi nhuận ròng đạt đến 36,99%, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ là 20,73%.
Một yếu tố khác khiến VCS lãi đậm trong quý này là doanh nghiệp được điều chỉnh chi phí thuế thu nhập. Được biết, trong cuôc họp vào ngày 27/6, HĐQT VCS đã điều chỉnh kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo hình thức ưu đãi thuế đối với các thu nhập phát sinh từ Nhà máy số 2. Đây là nhà máy thuộc trường hợp dự án đầu tư mở rộng tại Khu công nghệ cao. Theo đó, số thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 và 2016 đã nộp được điều chỉnh vào quý II/2017 làm lợi nhuận tăng thêm hơn 109,2 tỷ đồng.
Lũy kế doanh thu VCS 6 tháng đầu năm đạt gần 2.220 tỷ đồng, tăng 53% so với 6 tháng đầu năm trước, lợi nhuận sau thuế bán niên đạt gần 577,6 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Trên bảng cân đối kế toán, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm đến gần 1/3 tài sản của VCS. So với số đầu kỳ, khoản này đã tăng gần 45%, tương đương với hơn 313,5 tỷ đồng.
Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng hơn 22%. Quý này ghi nhận 120 tỷ đồng tiền từ phần ký cược, ký quỹ, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận khoản tiền này.
Phải thu ngắn hạn khác tăng đột biến gần 119 tỷ đồng lên gần 122 tỷ.
Trong khi đó, hàng tồn kho lại giảm 154 tỷ đồng còn hơn 1.312,5 tỷ đồng. Được biết, giá trị hàng tồn kho ứ đọng, kém phẩm chất tại thời điểm cuối kỳ là hơn 30,3 tỷ đồng. Đây là giá trị hàng tồn kho cuối kỳ của các sản phẩm đá Breston và đá Terastone có chất lượng giảm sút, lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu bán hàng và thị hiếu của người tiêu dùng. VCS đã trích lập dự phòng cho các khoản này.
Tính đến cuối kỳ, nợ phải trả đã giảm hơn 134,6 tỷ đồng, tương đương gần 8% số đầu kỳ. Tuy nhiên, vay và nợ thuê tài chính đã tăng hơn 132 tỷ đồng lên 1.215 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính cũng chỉ ghi rằng đây là khoản vay ngắn hạn.
Bình luận trên Facebook